Mục lục
Mẹ bầu nào cũng hạnh phúc tột độ khi con chào đời
Sau hơn 9 tháng mang nặng trong bụng, làm việc gì cũng khó khăn, bà mẹ nào lại không chờ đợi ngày con chào đời. Cảm giác đau đớn trong phòng sinh sẽ tan biến hết khi nghe tiếng khóc của con. Chỉ cần bác sĩ cho mẹ nhìn lướt qua con một chút, bà mẹ cũng đủ hạnh phúc để mỉm cười viên mãn. Tuy vậy, không phải đứa bé nào cũng may mắn làm vơi đi sự đau đớn của mẹ. Và cũng không phải người mẹ nào cũng xem con là niềm hạnh phúc vô bờ khi nghe tiếng khóc chào đời của con.
Đó là trường hợp của gia đình ở Armenia. Là gia đình của cặp vợ chồng trẻ Ruzan Badalyan và Samuel Forrest. Với họ, ngày con chào đời là ngày thế giới sụp đổ. Là ngày mọi tình cảm tan tành thành mây khói.
Ngay khi vừa chào đời, người vợ đã từ mặt con
Người vợ sau gần 1 ngày ròng rã với cơn đau chuyển dạ đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Những tưởng niềm vui nhân đôi khi mẹ tròn con vuông. Tai họa ập đến với đứa bé mới chào đời. Tỉnh dậy trong phòng hồi sức, các bác sĩ thông báo con trai chị bị bệnh down. Chị vợ gần như suy sụp. Nhìn mặt con đang ngủ ngon, chị vừa xót vừa căm phẫn cuộc đời bất công với mẹ con chị. Nhưng thay vì chấp nhận số phận, chị vợ nói với chồng một câu khiến anh điêu đứng. Chị không muốn nuôi dưỡng bé và đòi chồng đưa bé vào trại trẻ mồ côi.
Trái với suy nghĩ của vợ, Samuel vẫn yêu thương và muốn giữ con lại. “Người ta đưa tôi vào phòng nhìn mặt con. Khi vừa nhìn thấy thằng bé, tôi đã thốt lên. Quả là một cậu nhóc kháu khỉnh và hoàn hảo. Tôi nhất quyết giữ lấy con mình”, anh kể lại.
Hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn và cuối cùng Ruzan đưa ra tối hậu thư: “Hoặc là bỏ con, hoặc là ly hôn”. Cuối cùng, Samuel quyết định chọn con trai và đưa bé trở về quê nhà ở New Zealand. Ở đó, 2 bố con anh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người thân yêu. Cùng lúc đó, Ruzan đã nộp đơn ly hôn lên tòa án.
Tâm trí làm mẹ thức tỉnh
“Khoảng 3 tuần rưỡi sau đó, Ruzan liên lạc với tôi thông qua một người bạn. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn qua Skype. Cuối cùng tôi cũng đồng ý gặp cô ấy và lần đầu tiên cô ấy ôm bé Leo vào lòng. Trước đó, cô ấy không biết hội chứng Down thực sự là gì. Và cô cũng chẳng có hy vọng gì vào đứa con này. Các bác sĩ đã “dọa” cô ấy rằng Leo sẽ không bao giờ đi đứng, nói chuyện hoặc tự ăn được. Vì thế cô ấy mới sợ và muốn cho con đi”, Samuel nói.
Chính vì vậy, Samuel đã đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Anh mong muốn thay đổi nhận thức của nhiều người về hội chứng Down. Câu chuyện cảm động của gia đình cùng hình ảnh đáng yêu của bé Leo đã nhanh chóng thu hút nhiều người quan tâm. Samuel lập tức nhận được hơn 500.000 USD (khoảng hơn 11 tỉ VNĐ) tiền quyên góp hỗ trợ chăm sóc cho Leo. Vậy nhưng quan trọng hơn là sau tất cả, hai vợ chồng đã thấu hiểu nhau và quay lại, cùng chăm sóc cho Leo.
“Cô ấy thích nghi với các chương trình trị liệu của Leo và hóa ra cô ấy cũng là một người mẹ tuyệt vời”, Samuel cho biết.
Một chút về hội chứng Down?
Bệnh Down (hội chứng Down) là rối loạn nhiễm sắc thể di truyền phổ biến nhất, gây ra tình trạng mất khả năng học tập ở trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh Down trên toàn thế giới là khoảng 1:700, khoảng 8 triệu trẻ em sinh ra mắc hội chứng này.
Hội chứng Down không phải là bệnh di truyền mà là một rối loạn di truyền xảy ra trong quá trình phôi thai giảm phân tạo thêm 1 bản sao của nhiễm sắc thể số 21. Chỉ có khoảng 5% các trường hợp mắc bệnh là do di truyền.
Bệnh Down chưa có biện pháp điều trị, trẻ bị bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời và phải phụ thuộc nhiều vào người khác. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học, ngày nay hầu hết các vấn đề này đã giải quyết được.
Nguồn: Eva.vn
Hồng Minh