Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt các máy ảnh DSLR và Mirrorless đã được ra đời với vô số các tính năng hữu ích và hiện đại. Do đó mà dòng máy ảnh film (Analog) đã dần đi vào dĩ vãng và không còn được ưu chuộng nữa khi đem ra so sánh với các máy ảnh kỹ thuật số hiện nay.
Việc để cho ra được một bức ảnh trên Analog tốn khá nhiều thời gian và công sức so với các máy ảnh hiện đại hiện nay. Tuy nhiên, có vẻ như trào lưu trở lại với máy ảnh film đang được diễn ra khá mạnh mẽ. Dù nói thế nào đi nữa thì có lẽ chất lượng ảnh film cũng mang những cái “chất” riêng của nó mà các DSLR hay Mirrorless phải thông qua các bộ lọc màu mới có thể tái tạo lại được. Để quay lại với phong cách vintage trong cuộc sống hiện đại, một số người dùng đã quay trở lại với SLR. Dưới đây là 5 lý do khiến bạn có thể trở lại với những chiếc máy ảnh “cổ kính” này.
Mục lục
Phong trào hoài cổ
Có thể nói, màu film chính là yếu tố quan trọng khiến trào lưu Analog trở lại mạnh mẽ. Thay vì phải qua một số APP như VSCO hay một số hiệu ứng trên Instagram, bây giờ người sử dụng có thể dùng nguyên một bức hình từ máy Film sau khi rửa.
Giá thành thấp
Một chiếc máy ảnh SLR kể cả ống kính có giá chỉ khoảng vài trăm nghìn tới vài triệu. Giá này rất rẻ nếu so với máy ảnh DSLR hay Mirrorless có giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Một chiếc Canon AE-1 đo sáng tốt, có kèm lens 50 1.8 S.C giá vào khoảng 1,5 triệu VNĐ.
Ngoài ra phải kể đến chi phí cho một cuộn Film và chi phí rửa trong phòng tối rất rẻ. Cuộn Film Kodak ColorPlus 200 phổ thông chỉ vào khoảng 40.000 VNĐ, chi phí rửa trung bình khoảng 35.000 VNĐ.
Trải nghiệm nhiếp ảnh chỉnh tay hoàn toàn
Khi chuyển sang sử dụng máy ảnh Film, chắc chắn một điều rằng bạn phải hiểu các thông số mới có thể cho ra những bức ảnh đúng sáng, và bắt được khoảnh khắc mong muốn, bởi những chiếc DSLR luôn tính toán để chắc chắn người sử dụng sẽ có ảnh, còn máy ảnh Film SLR thì không.
Nói sâu hơn về “manual” trên máy ảnh Film, bởi hầu hết các máy ảnh Analog đều cần kinh nghiệm đo sáng bằng mắt thường một phần bởi cảm biến ánh sáng trên máy Analog đã cũ và công nghệ không tiên tiến bằng DSLR sau này, phần khác phải “manual” bởi mục đích sử dụng chuyên về khẩu độ hay chuyên về tốc độ chụp trong một số trường hợp nhất định.
Công đoạn để chụp một khoảnh khắc trên máy ảnh Film sẽ theo từng bước:
+ Xác định môi trường sáng để cho ra một thông số chuẩn theo kinh nghiệm bản thân.
+ Lấy nét vào đối tượng, thường thì hầu hết các máy ảnh Analog đều phải lấy nét tay.
Thế nên có thể nói “manual” trên máy ảnh Film là một thử thách thật sự về sự kiên nhẫn.
Chất màu riêng của Film và “grain” trong từng bức ảnh
Màu của Film thường rất riêng, không rực rỡ, không “công nghiệp” như DSLR. Thường thì nó khá trầm và thiên về những sắc xanh hoặc đỏ tuỳ vào từng loại cuộn Film. Đôi khi còn phụ thuộc vào thuốc khi tráng.
Hơn nữa, một bức ảnh chụp bằng máy Analog không thể so sánh với DSLR về mật độ điểm ảnh. Nhưng ảnh chụp bằng Analog luôn có cảm giác hoài cổ mà DSLR không thể mang lại. Điều này phần nào phụ thuộc vào grain. Grain là những hạt nhỏ li ti, như ảnh kỹ thuật số nhiễu hạt càng nhiều khi ISO càng cao. Nhưng đối với thú chơi ảnh phim, đây là một trong những thứ đem lại linh hồn của bức ảnh.
Nếu có nhu cầu cao hơn về film, người chơi có thể chọn các dòng như Kodak T-Max 400 chuyên trị thể loại Black & White, hay loại Film “thần thánh” chuyên trị chân dung như Kodak Portra 160 hoặc đam mê “grain” thì có thể sử dụng Film Kodak Ektar 100 được đánh giá là World Finest Grain, cho ra một tấm ảnh có grain rất mê hoặc.
Đam mê không giới hạn
Trào lưu chơi máy ảnh Film đang dần khiến nhiều người đam mê nhiếp ảnh chú ý và tìm hiểu. Tuy còn đó nhiều hạn chế so với DSLR nhưng những nét riêng của Analog sẽ khiến người chơi hiểu hơn về nghệ thuật nhiếp ảnh thời sơ khai.
Xem thêm các bài viết khác tại đây.
Trích dẫn từ kenh14.vn
Lê Sơn