Cơ sở sản xuất lân đầu giấy tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, Tiền Giang có lẽ không ai không biết. Bởi lẽ đây là cơ sở duy nhất làm sản phẩm này. Chủ là anh Trần Văn Bình – một thanh niên dân tộc Hoa đã làm nghề được 6 năm qua.
Mục lục
Tiếp nối nghề truyền thống
Nghề truyền thống của gia đình anh Bình là làm lân đầu giấy. Khoảng năm 2013; sau khi lập gia đình, anh quyết định rời Sải Gòn đến với nơi đây để lập nghiệp. Với nghề truyền thống này; anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Anh Bình là một người còn rất trẻ. Anh thuộc thế hệ 8X. Hàng chục năm qua tại vùng Sài Gòn – Chợ Lớn; gia đình anh theo nghề kinh doanh các sản phẩm như lân đầu giấy; áo mã; đồ thờ cúng. Khi chuyển về Tiền Giang sinh sống; anh vẫn muốn tiếp tục phát huy nghề truyền thống của gia đình. Vì thế, hai vợ chồng anh đã tạo lập cơ sở để gắn bó.
Mới đầu, cơ sở của anh chỉ làm từng công đoạn của đầu lân. Sau này đã hoàn chỉnh tất cả các khâu gồm 10 công đoạn và 5 lần phơi nắng.
Tạo công ăn việc làm
Tại cơ sở của anh Bình hiện có 20 nhân công bao gồm lao động đơn giản và thợ chuyên nghiệp; làm việc xuyên suốt cho các công đoạn sản xuất chủ yếu như: làm khuôn; đắp giấy; dán vải kim sa; may các đường viền; vẽ hoa văn; trang trí lông thành phẩm… Được biết, tất cả lao động đều là người tại địa phương, do vợ chồng anh Bình và chị Hồ Thị Liễu mời gọi đến làm việc từ lúc thành lập cơ sở đến nay. Các lao động khi đến làm việc thì được vợ chồng anh Bình hướng dẫn từng khâu trong quy trình làm thủ công đầu lân giấy, đến nay hầu hết các thợ đều rành nghề, thực hành chuyên nghiệp.
Các công đoạn làm đầu lân
Để hoàn thành một sản phẩm đầu lân, thường phải trải qua khoảng 10 công đoạn chính, trong đó có đến 5 lần phơi nắng. Nguyên liệu để làm đầu lân khá đơn giản với các thành phần chính bao gồm tre, giấy, bột dán, vải kim sa nhiều màu sắc, sơn vẽ trang trí cùng với một số chi tiết phụ.
Chị Liễu cho biết, tre có thể tìm mua tại địa phương, nhưng phải chọn được loại tre già, tốt để có độ bền cao, đồng thời uốn dẻo và cố định khung không bị xiêu vẹo. Tuy vậy giấy để bọc khung thì phải đặt mua từ Sài Gòn, với nhiều loại khác nhau như loại giấy carton, giấy kraft (thường dùng đựng xi-măng), giấy thường dùng để bao thuốc, giấy bông,… nhờ các đặc tính bền, dai, ít thấm nước.
Trong các công đoạn làm đầu lân, khó nhất là phần vẽ các chi tiết trên mặt và đầu, do đó phần vẽ này do chính tay vợ chồng anh Bình và chị Liễu đảm nhiệm. Anh Bình cho hay, khi vẽ những chi tiết này ngoài đòi hỏi yếu tố kỹ thuật, như bố trí họa tiết, hoa văn, bộ phận nào phải vẽ trước để chọn loại màu sơn cho phù hợp, thì quan trọng nhất là người vẽ tạo được thần thái cho lân, đó là những ánh lửa trên mặt lân phải uyển chuyển và có hồn, để khi nhìn vào đây thấy được sự mạnh mẽ của linh vật.
Phát triển nghề để gắn với du lịch
Cơ sở sản xuất lân thủ công của anh Bình nằm trên trục đường chính vào xã, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước thường đến tham quan, nhưng số lượng không nhiều do tuyến đường này không liên kết được với các điểm tham quan khác. Anh Bình cho biết đang suy nghĩ về gợi ý của các công ty du lịch việc mở thêm cơ sở làm đầu lân thủ công khác.
Theo đó, nếu được thì anh sẽ đặt thêm một cơ sở tại xã Kim Sơn, cũng thuộc huyện Châu Thành, nhưng nằm trên tuyến du lịch đường thủy, để các công ty có thể đưa du khách tham quan bằng tàu lớn cập bến thuận tiện hơn. “Nếu phát triển thêm được cơ sở sản xuất thủ công tại tuyến du lịch đường sông như gợi ý của các đơn vị du lịch thì tôi có thể quảng bá được nghề làm đầu lân giấy truyền thống của gia đình đến với nhiều du khách hơn, đồng thời có thể mở rộng việc kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nơi đây, tuy nhiên tôi lo ngại sẽ không thể kham nổi”, anh Bình cho hay.
Trích dẫn từ Báo Văn hoá
NĐ