Mục lục
Các bài thuốc nam chữa bệnh từ lá cây dâu tằm
Cây dâu tằm thường được trồng trên khắp thế giới bao gồm cả Việt Nam và đã được sử dụng theo nhiều cách trong y học cổ truyền từ lâu đời. Lá cây dâu tằm cũng được sử dụng trong nông nghiệp để nuôi tằm. Ở nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, nó có vai trò trong việc cung cấp thực phẩm. Ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Nam và Bắc Mỹ, dâu tằm được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh. Nhờ các đặc tính chống vi khuẩn và chống oxy hóa. Tuy nhiên, chủ yếu cho mục đích chống đái tháo đường, điều hòa miễn dịch, kháng khuẩn. Hay chống oxy hóa và chống ung thư.
Lá cây dâu tằm được biết là có tác dụng hạ sốt, chống ho, chống viêm và bảo vệ gan. Ngoài ra, nó còn được dùng để điều trị cảm lạnh thông thường, ho, nhức đầu và sưng đỏ mắt. Trong các bài thuốc nam ở Việt Nam, các thầy thuốc thường sử dụng lá cây dâu tằm. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ giới thiệu sơ nét về lá cây dâu tằm. Cũng như công dụng và cách sử dụng một cách phù hợp.
-
Thông tin và công dụng của lá dâu
Lá dâu còn gọi tang diệp, tên khoa học: Folium Mori albae. Cây Dâu tằm (Morus alba L.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Trong lá dâu có các hợp chất gelatin, carotene, tannin, sinh tố C, B1, B2, cholin, adenin, trigonellin. Các loại đường fructose, saccharose, glucose; acid folic, purine glutamic, glutathione. Các nguyên tố: Cu, Zn, B.
Theo Đông y, lá dâu đắng ngọt, tính hàn; vào phế và can. Tác dụng phát tán phong nhiệt, thanh phế chỉ khái, thanh can minh mục. Trị cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ. Với viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng.
Liều dùng và cách dùng: 6-15g; có thể nấu, hãm, sắc…
-
Các bài thuốc sử dụng lá dâu – tang diệp
Tán nhiệt, giải biểu: Trị cảm mạo phong nhiệt mới phát. Miệng khát, rêu lưỡi hơi vàng hoặc ho do phong ôn.
Dùng bài: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g và cam thảo 4g. Thêm hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.
Mát gan, sáng mắt: Trị chứng phong nhiệt ở kinh can, mắt đỏ sưng đau.
Bài 1: tang diệp 63g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu trước lấy 500ml nước, bỏ bã, hòa tan mang tiêu, rửa mắt khi còn ấm. Trị đau mắt hột, đau mắt, ngứa mắt.
Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống. Trị viêm màng tiếp hợp, mắt đỏ sưng đau.
Mát phổi, dịu ho: Trị ho do phong nhiệt, biểu hiện đờm vàng đặc hoặc ho khan không đờm.
Bài 1: tang diệp 8g, hạnh nhân 12g, bối mẫu 8g, đậu xị 4g, chi tử bì 8g, lê bì 8g, sa sâm 8g. Sắc uống. Trị ho khan không đờm do khí hanh mùa thu, đau đầu, phát sốt, lưỡi đỏ.
Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g. Thêm hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.
Hạ huyết áp: tang diệp 20g, tang chi 20g, sung úy tử 20g. Các vị cho vào nồi, đổ 1.000ml nước, sắc lấy 600ml. Ngâm rửa chân 30-40 phút trước khi đi ngủ.
-
Món ăn thuốc sử dụng lá dâu – tang diệp
Tang cúc đạm trúc ẩm: tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g. Tất cả hãm với nước sôi, thêm chút đường uống thay trà. Dùng tốt cho người bị sốt, ho khan ít đờm. Bị vã mồ hôi do cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc mắt cấp tính.
Trà tang diệp cúc hoa kỷ tử quyết minh tử: tang diệp 9g, cúc hoa 9g, kỷ tử 9g, quyết minh tử 6g. Tất cả pha nước sôi uống thay trà. Dùng tốt cho người bị đau đầu hoa mắt chóng mặt.
Trà tang diệp cúc hoa bạc hà cam thảo: tang diệp 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g, cam thảo 10g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi pha hãm uống thay nước trà. Trị cảm mạo phong nhiệt.
Cháo tang diệp cúc hoa: tang diệp 10g, cúc hoa 12g, đậu xị 10g, gạo tẻ 60g. Các dược liệu nấu sắc lấy nước. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo được cho nước sắc thuốc vào, đun tiếp một lát, ăn nóng. Dùng tốt cho người đau nhức vùng mắt do viêm kết mạc. Đau dây thần kinh số V do chấn thương vùng mặt.
Phổi lợn hầm tang diệp huyền sâm: tang diệp 15g, huyền sâm 20g, phổi lợn 250g. Tang diệp, huyền sâm gói trong vải xô, phổi lợn rửa sạch thái lát. Tất cả hầm kỹ, bỏ túi dược liệu, thêm gia vị thích hợp để ăn. Đợt dùng liên tục 5-10 ngày. Món này tốt cho người viêm tắc tuyến lệ gây viêm khô kết mạc mắt.
Kiêng kỵ: Không dùng tang diệp khi ban sởi đã mọc.
Trích theo Sức khoẻ và Đời sống
Bảo Hân