Giải đua xe Công thức 1 (Formula One) từ lâu đã là một giải đấu tầm cỡ giành cho các tay đua F1. Những màn rượt đuổi siêu tốc độ; những cú “drift” đầy nguy hiểm; hay những pha về đích đầy gay cấn chính là những đặc sản của giải đua xe nổi tiếng này. Để có được những pha đua đẹp mắt và kịch tính như vậy, ngoài tài năng và bản lĩnh của các tay đua; thì công nghệ cũng chiếm một phần không nhỏ cho sự thành công ấy.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những phát minh vĩ đại đã làm thay đổi cả ngành công nghiệp đua xe tốc độ đó.
Mục lục
Hệ thống giảm lực cản
Khi các xe đua ngày càng giống nhau, vượt qua nhau trên đường đua trở nên khó khăn hơn hẳn. Để giải quyết tình trạng này, F1 cho giới thiệu hệ thống giảm sức cản D.R.S. Nôm na, trên những đoạn đường thẳng, D.R.S sẽ mở cánh gió phía sau xe để giúp xe đạt được tốc độ cao hơn. Khi các tay đua đạp phanh (lúc vào cua), D.R.S sẽ tự động đóng cánh gió lại.
Thuở sơ khai, những chiếc xe đua được ví như những viên gạch chạy ngược gió. Sức cản không khí là rất lớn. Nhưng nhờ hiểu biết về khí động học ngày càng tăng, thiết kế của chiếc xe đã được cải tiến theo hướng giảm thiểu sức cản của gió. Những chiếc xe bây giờ không chỉ đi nhanh gấp đôi so với trước, mà khả năng bám đường trong những cú bẻ cua cũng rất khó tin.
Động cơ sạch Hybrid
Năm 2014, trước áp lực của các tổ chức bảo vệ môi trường; F1 thông báo tất cả các xe sử dụng trong mùa giải 2014 đều chỉ dùng động cơ V6 Hybrid 1,6 lít. Từ đó, các nhà sản xuất và các đội đua lao vào nghiên cứu để biến động cơ V6 Hybrid thành một “con quái vật” thực thụ. Dần dần, công nghệ hybrid cũng được sử dụng rộng rãi trên các loại xe dân dụng; giúp giảm đáng kể tác động xấu lên môi trường.
Hệ thống khuếch tán khí xả kép
Bằng cách thay đổi thiết kế của xe từ hệ thống xả đơn bình thường thành hệ thống xả kép; các kỹ sư của đội Brawn GP đã khiến những chiếc xe của họ nhanh lên một cách khó tin. Năm 2009, Brawn GP là đội đua mới; nhưng nhờ khác biệt do hệ thống xả kép mang lại, tay đua chủ lực của họ là Jenson Button đã kết thúc mùa giải với chức vô địch.
Công nghệ chuyển số
Bộ chuyển số lần đầu xuất hiện trên những chiếc xe của hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp đua xe là Ferrari và McLaren vào những năm 1990. Mục đích là để giúp các tay đua có thể chuyển số dễ dàng trong thời gian bằng một cái nháy mắt. Không lâu sau khi ra đời, công nghệ này được áp dụng rộng rãi trên các loại xe dân dụng.
Công nghệ «Hào quang » (Halo)
Nhiều CĐV không thích công nghệ “halo” – kết cấu bằng chất liệu siêu bền được lắp trên buồng lái. Vì nó làm hỏng vẻ đẹp của chiếc xe F1. Nhưng vụ tai nạn của Grosjean cho thấy nó thực sự là thiên thần hộ mệnh với các tay đua. Từ thành công của F1, các giải đấu tốc độ khác như IndyCar cũng đang có kế hoạch xem “halo” là trang bị bắt buộc cho mọi chiếc xe.
Sợi carbon
Trong thập niên 1980; các đội đua khổ sở tìm kiếm một loại vật liệu mới mạnh hơn, nhẹ hơn mà an toàn hơn cho những chiếc xe của họ. Kim loại nặng thì… nặng quá, trong khi các vật liệu nhẹ hơn thì lại yếu. Rồi sợi carbon ra đời. Hiện nay, gần như tất cả những mẫu xe tốc độ trên thị trường đều sử dụng sợi carbon làm vật liệu chính.
Thiết bị đếm giờ
Tính giờ từng là công việc nặng nề và khó khăn nhất trong các môn thể thao tốc độ. Lý do là bạn không thể dùng một chiếc đồng hồ bấm giờ để tìm ra khác biệt lên tới hàng phần nghìn giây giữa hai chiếc xe. Trước đây còn tệ hơn, khi các trọng tài phải tính giờ bằng… giấy và bút. Nhờ công nghệ, tất cả đã thay đổi. Ngày nay, ban tổ chức đã có thể gắn những thiết bị đo tốc độ trên toàn bộ đường đua; cũng như trên chính chiếc xe đua, đảm bảo độ chính xác gần như tuyệt đối.
Đồ bảo hộ
Thời kỳ đầu, an toàn là điều cuối cùng mà người ta nghĩ tới trong các cuộc đua. Lúc đó, đua xe trở thành thú chơi nguy hiểm đối với các VĐV, và khán giả. Nhưng sau tai nạn thảm khốc của Lauda năm 1970 và cái chết của Senna năm 1990 ; các nhà làm luật bắt đầu xem an toàn là ưu tiên hàng đầu. Ngày nay, mọi xe đua đều phải trang bị một loạt thiết bị an toàn.
>>> Xem thêm: Kiatisuk Và HA Gia Lai Đầy Hứa Hẹn Ở V-League 2021
Trích dẫn từ bongdaplus.vn
Nguyễn Hiếu